Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 hằng năm đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là một ngày lễ trọng đại mà còn mang trong mình những giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng biết ơn và tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến cả máu xương và ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

   Hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2025); Đảng ủy Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 76-KH/ĐU ngày 20/6/2025 về sinh hoạt chuyên đề Quý III, năm 2025 với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn-Tìm về những địa chỉ đỏ”, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, viên chức trong Đảng bộ Trường. Nằm trong chuỗi hoạt động “Uống nước nhớ nguồn-Tìm về những địa chỉ đỏ”; từ ngày 01 đến hết ngày 04/7/2025, Đảng ủy Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức trong Đảng bộ đi thăm, dâng hương, tưởng nhớ và tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại của đất nước; Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Thành Cổ Quảng Trị – một di tích quốc gia đặc biệt nằm tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Hoàng Quỳnh-Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng làm Trưởng đoàn.

   Đến dâng hương Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nằm trên ngọn núi Thọ, mũi Rồng, thuộc vùng biển Vũng Chùa – Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị) là dịp để tập thể cán bộ, đảng viên, viên chức Trường Cao đẳng Bắc Giang thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn và tưởng nhớ vị tướng tài ba, danh nhân văn hóa thế giới, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình; người anh hùng đã góp phần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Mộ Đại tướng cũng là một biểu tượng của ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam; nó thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất của dân tộc. Đến viếng mộ Đại tướng, mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức Nhà trường không chỉ thể hiện lòng thành kính và biết ơn trước anh linh Đại tướng, mà còn được bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Đoàn cán bộ, đảng viên, viên chức Trường Cao đẳng Bắc Giang thăm và dâng hương tại Mội Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
trên ngọn núi Thọ, vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

   Tiếp tục “…Tìm về những địa chỉ đỏ”, Đảng ủy, lãnh đạo và tập thể cán bộ, đảng viên, viên chức Trường Cao đẳng Bắc Giang đã tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn – một biểu tượng thiêng liêng, nơi an nghỉ của hơn 10.330 anh hùng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do của Tổ quốc, tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

   Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là một địa chỉ đỏ, một điểm đến tâm linh quan trọng; là nơi an nghỉ của phần lớn là những thanh niên tuổi đôi mươi; mỗi bia mộ tại đây là một câu chuyện, một cuộc đời, một chiến công. Đến với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức Trường Cao đẳng Bắc Giang như được sống lại với những năm tháng hào hùng của dân tộc; khắc ghi lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và ý chí kiên cường của thế hệ cha anh; đồng thời, nhắc nhở mỗi chúng ta về giá trị của hòa bình, của độc lập tự do mà chúng ta đang được hưởng thụ.

Đoàn cán bộ, đảng viên, viên chức Trường Cao đẳng Bắc Giang thăm và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.

   Tiếp tục hành trình đến với Thành Cổ Quảng Trị – một di tích quốc gia đặc biệt và Đền thờ các anh hùng liệt sỹ bên dòng sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị-tỉnh Quảng Trị, mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức Nhà trường như đang đã trở về với “mùa hè đỏ lửa” gắn liền với cuộc chiến 81 ngày đêm khói lửa (từ 28-6 đến 16-9-1972). Nơi đây, đã phải gánh chịu tới 328.000 tấn bom đạn của kẻ thù; những chiến sĩ Thành Cổ đã chiến đấu ngoan cường và tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự (trong đó, có 200 xe tăng và thiết giáp), bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại.

   Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất; để hôm nay trong khuôn viên Thành Cổ là cả một không gian xanh, mỗi thảm cỏ trưng bày nhiều tượng đài ca ngợi sự hy sinh oanh liệt của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống.

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi.
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ.
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng”
                 (Cựu chiến binh Thành cổ Phạm Đình Lân)
“Hễ có Việt Nam có Cổ Thành
Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh
Huân chương khó đủ từng viên gạch
Tấc đất từng giây mỗi lá cành”                                                                      (Trần Bạch Đằng)

   Trung tâm của Thành Cổ là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được xây dựng mô phỏng là ngôi mộ tập thể với 81 bậc thang – tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu, với cây hương cao 8,1m; xung quanh có 81 bức phù điêu như 81 tờ lịch ghi lại từng ngày của cuộc chiến đấu anh dũng, đầy máu lửa, hào hùng của dân tộc. Không có ai thống kê được những liệt sĩ đã ngã xuống ở đây, nhưng chắc một điều, mỗi tấc đất Thành Cổ đều thấm đẫm máu cha anh; xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn để thành phù sa bến bãi, thành cỏ cây, thành tiếng gió rì rào:

“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”
(Lê Bá Dương)

   Trong không khí trang nghiêm, xúc động, Đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Cán bộ, đảng viên, viên chức Trường Cao đẳng Bắc Giang dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Thành Cổ-Quảng Trị

   Bên cạnh việc tổ chức dâng hương tại các nghĩa trang Liệt sĩ, Đoàn cán bộ, đảng viên Nhà trường đến thắp hương Tượng đài Mẹ Suốt tại tỉnh Quảng Binh (nay là tỉnh Quảng Trị). Tượng đài Mẹ Suốt sừng sững bên dòng sông Nhật Lệ hiền hòa, tái hiện hình ảnh người mẹ chèo đò vượt bom đạn, tiếp tế cho bộ đội, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc và trở thành biểu tượng bất diệt của tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam nói chung và là  biểu tượng thiêng liêng của lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước bất khuất của người dân Quảng Bình trong kháng chiến. Dưới làn mưa bom bão đạn, Mẹ Suốt vẫn kiên cường, ngẩng cao đầu, không hề khuất phục:

“...Ngẩng cao đầu mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ
Gan chi gan rứa mẹ nờ
Mẹ rằng: cứu nước mình chờ chi ai....”
(Tố Hữu)

   Kết thúc hành trình tìm về những địa chỉ đỏ năm 2025, đã để lại nhiều ý nghĩa và đáng nhớ. Đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức Trường Cao đẳng Bắc Giang thể hiện lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với những người con ưu tú của dân tộc; những anh hùng, liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường; những thương binh, bệnh binh mang trên mình những vết thương thời gian và những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã hiến dâng những khúc ruột của mình cho non sông, đất nước. Đó không chỉ là sự tri ân mà đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên Nhà trường thêm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc; từ đó không ngừng phấn đấu, tích cực rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao./.

Vũ Đức Huy – Văn phòng Đảng ủy
Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang.